Tinh thần đồng minh (allyship) tại nơi làm việc
Tinh thần đồng minh là gì và mang lại lợi ích nào cho tổ chức? Chúng tôi khám phá một vài cách ảnh hưởng đến văn hóa công ty và cách trở thành kiểu đồng minh phù hợp.

Như vậy, tổ chức của bạn có chính sách DE&I (Đa dạng, công bằng & hòa nhập) chi tiết. Bạn cam kết tuyển dụng đa dạng và hợp tác với các nhà đào tạo bên ngoài về sự hòa nhập. Nhưng bạn biết rằng không phải ai cũng có quyền đưa ra quyết định ở nơi làm việc của bạn.

DE&I là viết tắt của Diversity, Equity, and Inclusion


Tinh thần đồng minh có thể là thành phần còn thiếu để tạo nên tính hòa nhập thực sự. Chúng tôi xem xét ý nghĩa của tinh thần này đối với văn hóa công ty và tìm đến hướng dẫn chuyên môn từ Chikere Igbokwe - nhà sáng lập của Allyship Community & Book Club, một cộng đồng kết nối các đồng minh với nhau.

Tinh thần đồng minh là gì?

Forbes mô tả tinh thần đồng minh là "chìa khóa để khai mở sức mạnh của sự đa dạng". Trong bối cảnh nơi làm việc, đó là việc trở thành người ủng hộ những người thuộc các nhóm yếu thế, dù không phải là thành viên của nhóm cụ thể đó. Đây là một thành phần rất hiệu quả, vì thông qua đó, các đồng nghiệp có thể biến sự đa dạng và hòa nhập thành hiện thực, chuyển đổi các nguyên tắc DE&I thành hành động theo những cách thông thường, thiết thực.

Thành phần này cũng cực kỳ quan trọng vì trong khi sự hòa nhập góp phần giữ chân nhân viên, mang lại sự đổi mới cũng như gắn kết thì tính định kiến và loại trừ có thể gây tổn hại cho các công ty cùng văn hóa của họ. Theo báo cáo từ Centre for Talent Innovation, 33% nhân viên gặp phải sự đối xử thành kiến sẽ cảm thấy bị xa lánh tại nơi làm việc, đó là thứ chắc chắn sẽ làm tổn hại đến tinh thần họ.

Văn hóa đồng minh có thể chống lại điều này.

Chikere cho biết: "Đồng minh sử dụng quyền lực, ảnh hưởng và đặc quyền của mình để ủng hộ những người không ở các vị trí đó. Nhưng đó không phải là điều duy nhất. Tinh thần đồng minh nghĩa là có những cuộc trò chuyện. Tinh thần đồng minh nghĩa là sự lắng nghe. Tinh thần đồng minh nghĩa là tự học hỏi. Đồng minh luôn gắn kết."

Chikere xuất thân là nhà tuyển dụng tại London. Làm việc trong thành phố toàn cầu này - nơi "có sẵn một đội ngũ nhân tài đa dạng" - cô bối rối khi thấy thiếu phụ nữ ở các vị trí nhân sự cấp cao, chưa kể đến sự vắng mặt những người da màu ở các vị trí có đặc quyền và tầm ảnh hưởng.

Cô nhớ lại: "Tôi luôn tự hỏi tại sao, bởi vì nhiều công ty toàn cầu mà tôi từng hợp tác đều xem tính đa dạng là vấn đề rất quan trọng, cần được ưu tiên." Sau vụ sát hại George Floyd, cô quyết định sử dụng nền tảng của mình để tạo ra sự thay đổi và xây dựng cộng đồng đồng minh.

Cô giải thích: "Đó là không gian an toàn và can đảm, nơi những đồng minh tìm đến với nhau, có những cuộc trò chuyện gay gắt, đồng thời tìm hiểu việc trở thành đồng minh nghĩa là gì." Có được kiểu không gian và những cuộc trò chuyện này là chìa khóa để hiểu rõ khái niệm về đồng minh và tác dụng của đồng minh đối với các tổ chức.

Cách trở thành đồng minh

Đồng minh là một mối quan hệ diễn ra liên tục, không phải chỉ một lần rồi kết thúc. Khảo sát The Bias Barrier (Rào cản thành kiến) của Deloitte đề cập đồng minh là "một phần của hành vi thông thường". Nhưng làm cách nào để bạn biết mình phải làm gì để trở thành đồng minh? Và bạn phải bắt đầu từ đâu? Sau đây là một số gợi ý.

Tự học hỏi

Hành trình trở thành đồng minh bắt đầu bằng việc tìm hiểu về sự phân biệt đối xử cũng như bất kỳ đặc quyền và quyền lực nào bạn có. Ngoài kia có rất nhiều tài liệu để bạn tìm hiểu ngay cả khi tổ chức của bạn chưa sẵn sàng để thảo luận về sự đồng minh.

Chikere cho biết: "Có rất nhiều sách, podcast và bài diễn thuyết của TED mà bạn có thể bắt đầu." Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng đây là một quá trình liên tục. "Bạn phải liên tục học hỏi, ôn lại, trò chuyện, mắc lỗi, đứng dậy sau sai lầm và lại tiếp tục. Đây là một hành trình cả đời. Đây là một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút."

Bắt đầu với điều bạn thấy khó khăn nhất

Để đạt được thay đổi thực sự, bạn hãy làm một việc vô cùng quan trọng - đó là nói về và hành động dựa trên tất cả các yếu tố đa dạng, công bằng và hòa nhập, không chỉ ở những phần bạn cảm thấy thoải mái.

"Nếu chúng ta không chủ động đề cập đến mọi khía cạnh về DE&I, làm cách nào để đảm bảo chúng ta là đồng minh tuyệt vời của những đồng nghiệp người da màu, người thuộc cộng đồng LGBTQ+ hay phụ nữ?" Chikere đặt câu hỏi. Cô tin rằng thử thách mà nhiều tổ chức hiện đang đối mặt là việc xem xét mọi khía cạnh của sự đa dạng, công bằng và hòa nhập khiến họ cảm thấy không thoải mái.

Các tổ chức cần phải giải quyết thái độ miễn cưỡng này một cách trực diện. "Khi mọi người hỏi tôi: 'Tôi nên bắt đầu từ đâu?' Tôi luôn hỏi lại họ rằng: 'Điều gì khiến bạn thấy không thoải mái nhất?' Được rồi. Vậy thì bạn cần phải bắt đầu từ đó."

Tìm kiếm và tạo ra không gian an toàn

Một trong những rào cản đáng kể nhất đối với sự đồng minh là nỗi sợ làm sai đối với cả tổ chức và cá nhân. Điều đó không hoàn toàn là phi lý. Văn hóa tẩy chay là có thật và các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn nếu các sáng kiến - dù có thiện chí đến đâu - không thành công.

Nhưng họ cần phải vượt qua nỗi sợ này để mọi thứ có thể thay đổi. Việc tạo ra không gian nơi nhân viên có thể trò chuyện về đồng minh mà không bị ảnh hưởng là chìa khóa để thực hiện thành công.

Chikera giải thích: "Cách duy nhất chúng ta có thể học hỏi là khi chúng ta đến với nhau, chia sẻ, lắng nghe và cùng trò chuyện. Và cách duy nhất đó có thể xảy ra là khi chúng ta thực hiện những việc này trong một không gian an toàn."

Là con người

Mặc dù các lãnh đạo có vai trò chính trong việc thúc đẩy tinh thần đồng minh từ cấp cao nhất, họ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ rằng họ có thể mắc sai lầm. Chikere tin rằng chìa khóa là tính minh bạch: "Chúng ta cần các lãnh đạo nói rằng: "Tôi chỉ là một người bình thường. Sự đồng minh cũng mới lạ đối với tôi. Tôi không tự nhận mình là chuyên gia và có thể tôi sẽ mắc sai lầm." Nếu có những lãnh đạo thực sự chân thành về điều này, chúng ta sẽ có nhiều thay đổi hơn."

Lắng nghe

Là người lắng nghe chủ động nghĩa là bạn hoàn toàn chú ý vào người đang trò chuyện với mình thay vì bị phân tâm với suy nghĩ của bản thân và những gì xảy ra xung quanh. Lắng nghe cũng có nghĩa là không phán xét để bạn có thể nghe những điều ai đó nói với sự định kiến tối thiểu.

Lên tiếng

Trở thành người được gọi là "người ngoài cuộc tích cực" là một phần thiết yếu để trở thành đồng minh. Điều đó có nghĩa là hãy hành động khi bạn thấy ai đó bị đối xử thiếu tôn trọng hoặc phân biệt - ví dụ như gây hấn ngầm hoặc bất kỳ kiểu định kiến nào.

Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Theo nghiên cứu của Deloitte, gần 1/3 số nhân viên cho biết họ phớt lờ sự thành kiến mà họ chứng kiến hoặc trải nghiệm. Người ngoài cuộc tích cực sẽ là tấm gương tốt cho các nhân viên, góp phần tạo ra văn hóa mà nếu họ lên tiếng thì những người khác sẽ được hỗ trợ.

Những lợi ích chỉ những ai có đồng minh mới hiểu được

Có vô số lợi ích của việc phát triển quan hệ liên minh phù hợp tại nơi làm việc. Nếu bạn có thể xây dựng mối quan hệ với một người mà người đó có thể chia sẻ kinh nghiệm và sự khôn ngoan của họ cho bạn, thì chúc mừng bạn vì đã nhận được một tấm thẻ bài miễn xá bản thân khỏi vài lần thất bại rồi đấy. Dưới đây là một số cách cụ thể mà các chiến lược đồng mình có thể mang lại hiệu quả tốt cho đôi bên:

Sự gắn kết vô hình: Một trong những lợi ích lớn nhất thể hiện tầm quan trọng của đồng minh là cách nó nâng cao khả năng kết nối với các đồng nghiệp khác của bạn. Có được sự hỗ trợ của những người khác trong tổ chức, dù là nội bộ hay từ các bộ phận khác, là điều cực kỳ quan trọng trong nỗ lực xây dựng sự nghiệp của bạn. Nó có thể làm cho bầu không khí ở nơi làm việc thú vị hơn, đồng thời có thể cải thiện khả năng sáng tạo và năng suất làm việc của mỗi cá nhân.

Giảm nhẹ gánh nặng: Trong công việc, gặp phải những vấn đề và trở ngại là điều không thể tránh khỏi, và đôi khi trưng cầu một quan điểm khác hoặc một lối đi cụ thể hơn là cách tốt nhất tại thời điểm đó để có thể giải quyết nút thắt. Người xưa thường nói: “Khi một vấn đề được chia sẻ thì gian nan sẽ giảm đi một nửa.” Đồng minh ở nơi làm việc là người mà bạn có thể bày tỏ các vấn đề mình đang đối mặt. Họ có thể giúp bạn sàng lọc hàng tá ý tưởng luẩn quẩn trong đầu, đưa ra nhận định và tập trung vào một giải pháp hoàn hảo nhất cho vấn đề đó.

Lời khuyên miễn phí: Khi bạn thảo luận các vấn đề hoặc đặt câu hỏi cho đồng minh, bạn sẽ phát hiện ra tính khách quan ẩn sau câu trả lời đó. Những người bạn làm việc cùng có thể có lối đi và cách nghĩ riêng của họ trong vấn đề bạn phải đối mặt, nhưng nhìn chung đều mang tính trung lập. Bởi vì, những lời khuyên bạn nhận được sẽ gắn liền với thành công của bạn, chứ không phải của những cá nhân đó.

Bạn cho rằng mình là một người lao động vô song, không đi trễ, không tan làm sớm, hoàn thành công việc đúng giờ, không "lươn lẹo", không “mượn gió bẻ măng”, không gieo giắc thông tin .. Nhưng đừng quên rằng đôi khi việc đo lường hiệu quả công việc của một người không chỉ dựa trên hiệu suất của chính cá nhân đó. Phối hợp với môi trường xung quanh mới là một trong những khía cạnh quan trọng của việc nâng cao vị trí bản thân tại nơi làm việc.

Có thể thấy đồng minh tại nơi làm việc ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp của một người như thế nào. 

Cách đưa tinh thần đồng minh vào nơi làm việc

Là lãnh đạo, bạn phải có vai trò rõ ràng trong việc ủng hộ tinh thần đồng minh trong tổ chức mình. Nhưng để thực hiện điều đó, trước tiên bạn cần phải hiểu rõ khái niệm và tầm quan trọng của sự đồng minh. Chikera nói: "Các lãnh đạo cần bắt đầu với việc tự tìm hiểu."

Lãnh đạo cũng có trách nhiệm tạo ra môi trường và văn hóa hòa nhập, nơi nhân viên cảm thấy đủ an toàn để đặt câu hỏi cũng như đưa ra các cuộc thảo luận.

Phong cách lãnh đạo có vai trò trọng yếu ở đây. Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group, phong cách lãnh đạo hợp tác - mà trong đó nhà quản lý trân trọng những đóng góp của nhân viên và cởi mở với những ý tưởng mới - là yếu tố cần thiết để phát triển sự đa dạng.

Ngoài ra, cũng cần phải xác nhận rằng, là nhà lãnh đạo, bạn không nên tự tin rằng mình biết tất cả mọi thứ. Mặc dù việc lắng nghe lực lượng lao động là vô cùng quan trọng, các lãnh đạo nên mạnh dạn mời các chuyên gia bên ngoài hỗ trợ để tổ chức mình phát triển văn hóa đồng minh.

Tinh thần đồng minh biểu hiện là gì?

Đồng minh có tính thực tế cao. Đồng minh chính là sự học hỏi, lắng nghe và hỗ trợ để mang lại thay đổi. Mặt khác, đồng minh biểu hiện chỉ đơn giản là việc thể hiện những cử chỉ. Tất cả chúng ta đều thấy điều đó qua hành động - các chiến dịch hashtag đều không thực sự ảnh hưởng đến cách một tổ chức hành động. Cờ Tự hào xuất hiện vào tháng 6 chỉ dành cho nhân viên LGBTQ+ sẽ bị bỏ qua trong thời gian còn lại của năm. Và việc chú trọng vào lịch sử Người da đen chỉ kéo dài trong đúng 1 tháng. Mặc dù có thể gây khó chịu, nhưng kiểu nghệ thuật thu hút sự chú ý này lại quan trọng đến mức nào?

Chikere tin chắc sự đồng minh biểu hiện rất nguy hiểm. Cô nói: "Thực hiện những việc đó không làm bạn trở thành một đồng minh tích cực và chân thực. Và điểm mấu chốt là chúng ta cần có nhiều đồng minh tích cực hơn. Chúng ta cần thêm nhiều người ở vị trí có quyền lực và tầm ảnh hưởng sử dụng đặc quyền của họ để tạo ra sự thay đổi, vì đó là cách duy nhất để tạo nên sự thay đổi thực sự."

Khi tinh thần đồng minh đơn thuần chỉ mang tính biểu hiện, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ trông như thể không giải quyết vấn đề hoặc tạo ấn tượng sai lầm rằng một tổ chức đang trở thành một nơi làm việc hòa nhập hơn trong khi không phải như vậy.

Cách tinh thần đồng minh hỗ trợ sự hòa nhập

Tinh thần đồng minh là một trong các yếu tố chính thúc đẩy sự hòa nhập tại nơi làm việc. Như Sheree Atcheson viết trong Forbes: "Đồng minh là bất kỳ ai chủ động khuyến khích và mong muốn thúc đẩy nền văn hóa hòa nhập thông qua những nỗ lực có chủ đích, có ý thức và tích cực vì lợi ích chung của mọi người."

Như chúng ta thường thấy, lực lượng lao động đa dạng hơn không nhất thiết tạo nên sự hòa nhập hơn. Những người thuộc nhóm yếu thế có thể thấy mình là ví dụ rất điển hình cho cấp thấp và cấp trung của tổ chức cũng như hoàn toàn vắng mặt ở vị trí cấp cao.

Văn hóa của tổ chức có thể là sự khác biệt bị bỏ qua thay vì được tôn vinh, khiến mọi người cảm thấy không thể là chính mình. Thậm chí tình hình này còn tệ hơn ở các tổ chức nơi mà sự thiếu hòa nhập dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao, với tất cả các tác động tiêu cực về chi phí và tinh thần kèm theo.

Chikere cho biết: "Vấn đề là mọi người nghĩ rằng công tác tuyển dụng sẽ giải quyết mọi thứ. Nhưng khi chúng ta tuyển được nhiều nhân viên giỏi vào tổ chức thì tiếp theo sẽ là gì? Làm cách nào để chúng ta phát triển được tài năng của họ? Làm cách nào để đảm bảo họ cảm thấy họ thuộc về công ty? Làm cách nào để đảm bảo họ thực sự được là chính mình?"

Đó là những câu hỏi mà tất cả các tổ chức đều đặt ra. Sự đồng minh đưa ra một số câu trả lời. Hãy khuyến khích các lãnh đạo cũng như nhân viên tự học hỏi nhằm xây dựng văn hóa đoàn kết, trong đó mọi người sẽ chủ động đón nhận, hướng dẫn và ủng hộ lẫn nhau, tạo ra nơi làm việc tốt hơn cho mọi người.

Tổng hợp từ workspace.com và vietnamworks



Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng “Over-thinking” trong công việc?
Đời sống hiện đại, đặc biệt là trong môi trường công sở, thường xuyên đưa ra những thách thức tâm lý và áp lực không ngừng. Cùng với áp lực công việc, sự so sánh và cạnh tranh, nhiều người phải đối mặt với thực trạng đau đầu từ việc suy nghĩ quá mức, đặt ra những câu hỏi không cần thiết, và phải đối mặt với những tình huống tâm lý gian truân.