Nguyên tắc Caveat
Trong tiếng Latinh, caveat phát xuất từ động từ cavere có nghĩa là chú ý hay cẩn thận

Những câu nhắc nhở có thể làm chúng ta không mấy thoải mái nhưng lại là nguyên tắc hết sức căn bản trong mua bán hàng hóa hay trao đổi dịch vụ. Trong tiếng Latinh, caveat phát xuất từ động từ cavere có nghĩa là chú ý hay cẩn thận.

Đi kèm với từ này có thể là emptor, venditor... để hình thành nên những nguyên tắc hết sức căn bản trong một nền kinh tế.

“Xin quý khách xem hàng kỹ trước khi rời khỏi cửa hàng, hàng mua rồi xin miễn trả lại...”. “Quý khách nhận được tiền vui lòng kiểm đếm lại trước khi ra khỏi quầy giao dịch. Ngân hàng chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm đối với số tiền đã mang ra khỏi quầy giao...”. Đây là những lời thông báo mà bạn có thể bắt gặp hay nghe thấy khi mua sắm tại một cửa hàng hay giao dịch với một ngân hàng nào đó.

So với những khẩu hiệu làm đẹp lòng khách hàng như “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” thì những câu nhắc nhở đại loại như trên có thể làm chúng ta không mấy thoải mái. Tuy nhiên, đây là nguyên tắc hết sức căn bản trong mua bán hàng hóa hay trao đổi dịch vụ mà giới luật sư trên toàn cầu đều thống nhất sử dụng thuật ngữ Latinh Caveat Emptor để mô tả.

Trong tiếng Latinh, caveat phát xuất từ động từ cavere có nghĩa là chú ý hay cẩn thận, còn emptor là người mua. Thành ngữ này - thường dịch sang tiếng Anh là “Let the buyer beware” hoặc tiếng Pháp “Que lácheteur soit vigilant” - xin được tạm dịch sang tiếng Việt là “Xin khách hàng hãy cẩn trọng”. Nói một cách khác, người mua phải chịu trách nhiệm về hàng hóa đã nhận và không thể truy đòi người bán nếu sản phẩm bị lỗi hay hư hỏng.

Giả sử như bây giờ bạn đi khám bệnh và được bác sĩ cho toa, bạn không uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hay chỉ dẫn trên toa thuốc và vì thế không thể khỏi bệnh. Như vậy, dựa vào nguyên tắc Caveat Emptor, lỗi hoàn toàn thuộc về bạn vì bạn đã không thực hiện theo đúng yêu cầu của bác sĩ.

Ví dụ khác trong kinh doanh và đầu tư: sau khi mua chứng khoán nếu giá xuống và buộc phải bán ra và bị lỗ thì nhà đầu tư cũng không thể trách móc các chuyên gia tài chính đã tư vấn cho mình. Còn nữa, những ai đóng tiền ký quỹ mua căn hộ cao cấp từ các dự án cũng không có quyền đòi tiền lại nếu thấy thị trường đi xuống...

Caveat Venditor

Nhưng sự đời không đơn giản như vậy vì thông thường người bán bao giờ cũng hiểu biết và có đầy đủ thông tin hơn người mua. Đến đây chúng ta cần lưu ý nguyên tắc Caveat Venditor (Let the seller beware - Người bán hãy cẩn trọng).

Trở lại với các ví dụ nói trên, thầy thuốc không hướng dẫn đầy đủ và toa thuốc “chữ bác sĩ” làm bệnh nhân đọc không rõ và dùng thuốc không đúng thì áp dụng nguyên tắc Caveat Emptor rõ ràng là không công bằng. Với người hút thuốc, giả sử trong gói thuốc lá có một chất độc hại khác ngoài nicotine có thể ảnh hưởng đến thể trạng hay tính mạng của người hút thì đây là lỗi của nhà sản xuất.

Trong kinh doanh chứng khoán, nhà đầu tư cũng có quyền kiện chuyên gia tư vấn trong trường hợp người này cố tình giấu diếm thông tin khiến nhà đầu tư quyết định sai. Trong kinh doanh bất động sản, chủ dự án đưa những thông tin sai lạc hoặc tung ra những chiêu tiếp thị úp mở làm cho nhà đầu tư kỳ vọng quá cao vào giá trị bất động sản trong khi chất lượng công trình kém và giá thị trường trong tương lai thấp hơn so với mong đợi thì trong con mắt của quan tòa, người này cũng có thể vi phạm nguyên tắc Caveat Venditor.

Caveat Dominator

Có lẽ chuyện cảnh báo Caveat... không thể chỉ hạn chế giữa người mua và người bán mà còn nên được mở rộng với nguyên tắc thứ ba gọi là Caveat Dominator (Let the governor beware - Nhà cai trị hãy thận trọng), tức là không thể bỏ qua vai trò của cơ quan công quyền.

Một khi nhà nước có đầy đủ kiến thức và thông tin hơn người dân, công chức nhà nước hay nhà lãnh đạo có nghĩa vụ phải giúp đỡ và cảnh báo cho công dân của mình nhằm tránh thiệt hại xảy ra. Liên tưởng đến hậu quả của những vụ lừa đảo đầu tư qua mạng trong thời gian qua như Colony Invest. Caveat Emptor! Nạn nhân là những người có đầy đủ lý trí nhưng bị lòng tham làm mờ mắt giờ đây đành phải chấp nhận thực tế đau thương vì họ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thế nhưng, liệu các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của mình chưa bằng cách thông tin cho người dân bản chất của những hình thức đầu tư đa cấp, hay có những biện pháp chế tài cần thiết trong khả năng của mình. Caveat Dominator! Trong tình thế “nước đến chân mới nhảy” hoặc mọi sự đã rồi mà nhà nước mới ra tay can thiệp thì trong một mức độ nào đó, cơ quan quản lý có liên quan cũng xứng đáng ra hầu tòa.

Caveat Scriptor và Caveat Lector

Nhưng trách nhiệm đâu có riêng của cơ quan công quyền, giới truyền thông và báo chí cũng có phần của mình nếu áp dụng nguyên tắc Caveat Scriptor (Let the writer beware - Người viết hãy thận trọng).

Việc phổ biến kiến thức hay thông tin một chiều, không đầy đủ hay thiên vị có thể tạo ra cuộc chơi không sòng phẳng trên thương trường và tạo nên những âm hưởng tiêu cực đối với tâm lý của nhà đầu tư. Và như vậy, phóng viên hay nhà báo trong khả năng nghề nghiệp của mình phải luôn công tâm, trung thực và đặt lợi ích của người đọc lên trên hết.

Ngược lại, người tiếp nhận thông tin báo chí, phương tiện truyền thông hay lĩnh hội kiến thức từ các chương trình huấn luyện và đào tạo cũng phải cẩn trọng: Caveat Lector (Let the reader beware). Độc giả cũng cần suy nghĩ, đặt dấu hỏi nghi ngờ với người viết; phân tích và phối kiểm thông tin mà mình tiếp cận để xem bao nhiêu phần trăm là sự thật và hợp lý.

Nguồn: vneconomy.vn 


Ý nghĩa các chức danh CEO, CFO, CPO, CCO, CHRO, CMO, CIO
CEO, CFO, CPO, CCO… là những thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty nước ngoài. Vậy các thuật ngữ viết tắt các chức danh CEO, CFO, CPO, CCO, CHRO, CMO… có ý nghĩa là gì?