No-code, low-code và xu hướng mọi công dân đều có thể lập trình
Low-code (viết mã tầng thấp) hay thậm chí không cần viết dòng mã nào (no-code) trở thành xu hướng tất yếu hiện nay và với sự trợ giúp của AI và các công nghệ tiên tiến, ai cũng có thể lập trình mà không cần viết "code". Thay vào đó chỉ kéo thả, lắp ghép giống như trò chơi Lego.

Trong vài năm trở lại đây, cùng với thế giới, Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ no-code (đơn giản như kéo/thả các khối) và low-code (viết mã tầng thấp, hoặc hiểu đơn giản là nắm vững vài câu lệnh để "dình" các khối với nhau), xu hướng công nghệ đang dần thay đổi việc phát triển phần mềm, bởi nó giúp mỗi cá nhân ở các lĩnh vực khác nhau đều có thể tự xây dựng và triển khai các phần mềm, ứng dụng di động, Webapp mà không cần đến kỹ năng lập trình phức tạp.

Code ở đây là mã lập trình. Trong khi no-code hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn nhu cầu về kỹ năng lập trình, low-code cung cấp một cách tiếp cận linh hoạt hơn, ít "động tay động chân" hơn cho người lập trình khi muốn tạo hay tùy chỉnh phần mềm. 

Lấy ví dụ, Webflow là nền tảng cho phép tạo trang web mà không cần biết một dòng code nào, hay Bubble hoặc Stage giúp tạo app mà không cần học ngôn ngữ lập trình. 

Fluxbuilder là nền tảng kéo thả giúp chúng ta xây dựng các ứng dụng mobile một cách nhanh chóng.

Xây dựng sản phẩm mà không cần biết code

Ưu điểm của hai hình thức xây dựng sản phẩm số này là chúng dễ sử dụng, giúp tăng tốc độ phát triển, giảm chi phí và thúc đẩy sáng tạo vì không mất quá nhiều thời gian và chi phí cho quá trình thử-sai.

Nhờ giao diện trực quan và dễ sử dụng, no-code và low-code cho phép người dùng nhanh chóng xây dựng và triển khai các ứng dụng phần mềm, thời gian từ xây dựng ý tưởng đến sản phẩm hoàn thiện ngắn hơn rất nhiều so với những cách làm truyền thống.

No-code và low-code thường đi kèm với giao diện kéo thả, làm cho việc xây dựng ứng dụng trở nên đơn giản, ngay cả đối với những người không có kinh nghiệm lập trình. Điều này giúp mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ cho một lượng lớn người dùng, từ chuyên gia không thuộc ngành IT đến những người quản lý, nhân viên văn phòng.

Chính ưu điểm trên đã sinh ra "citizen developer" (nhà phát triển phần mềm/ứng dụng dành cho tầng lớp công dân, hay nói cách khác là "công dân lập trình") - những người không có kỹ năng lập trình chuyên sâu nhưng vẫn có thể tự tạo ra các giải pháp số phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ.

Do chỉ cần số ít người và xây dựng trong thời gian ngắn, sử dụng no-code và low-code giúp giảm rất nhiều chi phí so với cách làm truyền thống. Đồng thời, với no-code và low-code, các " công dân lập trình" có thể thử nghiệm các ý tưởng mới một cách nhanh chóng và dễ dàng, cho phép doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của người dùng.

Các giải pháp made-in-Vietnam

Nhưng việc xây dựng các nền tảng no-code, low-code đòi hỏi nhiều nguồn lực, vì nó là nền tảng để xây dựng nên các sản phẩm số khác, và có mức độ phức tạp cao. Tuy thế, vẫn có nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam lựa chọn xây dựng các giải pháp no-code và low-code, chẳng hạn Luklak, Zilcode, Symper, Cubable, Genlogin và FluxBuilder.

Việt Nam cũng đã có nhiều cộng đồng no-code sôi động, chẳng hạn nhóm Facebook với hơn 8.000 thành viên là những người xây dựng và sử dụng các nền tảng no-code, low-code. Tại đây, các thành viên tích cực chia sẻ các trường hợp mà họ sử dụng các nền tảng no-code, low-code để xây dựng sản phẩm.

Chị Colina Quyen Tran có ý tưởng phát triển ứng dụng mạng xã hội phi tập trung (SocialFi) giải quyết các vấn đề sức khỏe tinh thần. Chị dùng Bubble để xây dựng ứng dụng MVP (Minimum viable product - sản phẩm khả thi tối thiểu) và đặt tên là Grandemy, để xem liệu ý tưởng của mình có khả thi hay không và có được người dùng đón nhận hay không. Nhờ no-code trợ giúp nhanh gọn cho khâu thăm dò tính khả thi này, chị đã quyết định mở rộng đội ngũ để phát triển ứng dụng trong các giai đoạn tiếp theo.

Một câu chuyện khác được anh Nguyễn Phước Vinh - giám đốc Công ty TNHH Store Làm mộc, một công ty chuyên bán các dụng cụ cầm tay - chia sẻ. Mặc dù xuất thân là bác sĩ răng hàm mặt, anh quyết định tự tìm hiểu và tự học sử dụng các nền tảng no-code, rồi tự xây dựng hệ thống quản lý cho công ty mình. 

Anh đã kết hợp 3 nền tảng khác nhau là Airtable, Softr và Sapo để xây dựng nên một hệ thống hoàn chỉnh, gồm rất nhiều chức năng phức tạp như quản lý các đơn hàng ký gửi, theo dõi đơn đặt hàng, theo dõi công nợ, báo cáo, phân quyền.

Mặc dù no-code và low-code mang lại nhiều lợi ích, vẫn có những thách thức và hạn chế nhất định.
Bảo mật là một trong những thách thức lớn nhất khi sử dụng no-code và low-code. Nhiều nền tảng không cung cấp đủ khả năng kiểm soát và bảo vệ dữ liệu, có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp, đặc biệt khi xử lý thông tin nhạy cảm.
Vì thế, khi lựa chọn các nền tảng low-code, no-code để xây dựng ứng dụng cho mình, nên cân nhắc kỹ các nền tảng uy tín, được nhiều người sử dụng để giảm thiểu rủi ro về bảo mật.
Ngoài ra, các giải pháp no-code và low-code thường có giới hạn về tính năng và khả năng tùy chỉnh, hạn chế. 

Các câu chuyện về việc ứng dụng thành công các nền tảng no-code, low-code này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người không có chuyên môn về lập trình nhưng có tư duy và niềm yêu thích xây dựng các sản phẩm phần mềm.

Dù còn nhiều thách thức và hạn chế, tiềm năng của no-code, low-code là không thể phủ nhận. Với đặc trưng là sự nhanh nhẹn và khả năng thích nghi tốt, Việt Nam có cơ hội lớn để không chỉ tiếp nhận mà còn dẫn đầu trong làn sóng công nghệ này.

Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần


JOMO là gì? Không có gì phải buồn khi bỏ lỡ cuộc vui!
JOMO viết tắt của Joy Of Missing Out, là lối sống giúp bạn thực sự tập trung vào những gì quan trọng và giảm bớt cảm xúc tiêu cực khi liên tục so sánh bản thân với người khác. Hay còn gọi bằng một từ ngắn gọn "Buông Bỏ".