(Chinhphu.vn) – Công ty bà Huỳnh Anh Thư (TPHCM) thành lập tháng 10/2020, ngành nghề chính là lập trình máy vi tính. Hoạt động chủ yếu gồm mô hình hóa dữ liệu và tạo ra sơ đồ quan hệ thực thể mô tả cấu trúc và quan hệ dữ liệu dưới dạng hình vẽ; cung cấp các mẫu ví dụ chính trong chương trình; cung cấp các test scripts (kịch bản kiểm thử).
Căn cứ Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm đáp ứng quy trình, bà Thư hiểu rằng các hoạt động trên của công ty thuộc công đoạn phân tích và thiết kế, lập trình viết mã lệnh và kiểm tra thử nghiệm phần mềm. Do đó hoạt động này được xem là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình
Bà Thư hỏi, cách hiểu của bà có đúng không? Để chứng minh cho các hoạt động này, công ty bà có phải cung cấp tất cả tài liệu tương ứng từng công đoạn không, hay chỉ một trong các tài liệu được nêu?
Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời như sau:
Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình quy định: “Hoạt động sản xuất một sản phẩm phần mềm của tổ chức, doanh nghiệp quy định tại Điều 3 Thông tư này được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình khi đối với sản phẩm đó tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế quy định tương ứng tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư này”.
Theo Nghị định số 43 của Chính phủ năm 2010, trường hợp ngành nghề kinh doanh không có trong hệ thống danh mục ngành nghề thì sẽ được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành do cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành. Sắp tới, Vụ CNTT sẽ nhanh chóng dự thảo Thông tư về ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực CNTT để báo cáo Bộ trưởng sớm ban hành để giải quyết thấu đáo cho doanh nghiệp. Trong dự thảo Thông tư, Vụ CNTT đã đưa ra quy trình sản xuất phần mềm gồm 6 bước: Xác định yêu cầu người dùng; Phân tích thiết kế; Lập trình; Kiểm thử; Hoàn thiện đóng gói; Cài đặt, bảo hành, bảo trì. Doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 trong 4 bước lõi (từ bước Phân tích thiết kế đến bước Hoàn hiện đóng gói thì sẽ được công nhận là doanh nghiệp sản xuất phần mềm). Theo định hướng trong dự thảo Thông tư, khi Thông tư được chính thức ban hành, doanh nghiệp có thể tự công bố mình là doanh nghiệp sản xuất phần mềm nếu đáp ứng tiêu chí đề ra, cơ quan thuế sẽ theo đó để áp dụng chính sách ưu đãi thuế. Trường hợp doanh nghiệp nào cần xác nhận thì Sở TT&TT sẽ xác nhận (Bộ TT&TT sẽ ủy quyền cho Sở xác nhận doanh nghiệp sản xuất phần mềm).
Căn cứ quy định này, doanh nghiệp phải thực hiện ít nhất một trong hai công đoạn: Xác định yêu cầu, Phân tích và thiết kế.
Điều 2 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT quy định: “Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Căn cứ quy định này, sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp phải thuộc danh mục quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 8/4/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử.
Về việc chứng minh cho các hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình, doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài liệu tương ứng với từng tác nghiệp thuộc các công đoạn mà doanh nghiệp đã thực hiện để chứng minh cho hoạt động sản xuất phần mềm của doanh nghiệp.
Các tài liệu cần xây dựng được quy định cụ thể tại các Điểm a, b, c, d, đ, e Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT.
Ví dụ: Đối với công đoạn Phân tích và thiết kế, nếu doanh nghiệp thực hiện tác nghiệp “mô hình hóa dữ liệu”, thì doanh nghiệp cần xây dựng tài liệu mô tả tác nghiệp “mô hình hóa dữ liệu”.
Trong tài liệu/hồ sơ, doanh nghiệp nêu rõ/phân loại sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp theo Danh mục sản phẩm phần mềm theo quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT.
Ví dụ: Nếu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm kế toán, doanh nghiệp cần nêu rõ sản phẩm phần mềm của doanh nghiệp là Phần mềm kế toán có số thứ tự 1.2.2.03 trong Phụ lục số 01 của Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT.
Chinhphu.vn