Từ loa phường, e-Phường đến e-Government
Để e-Governmet (chính phủ điện tử) thành công thì ngoài chuyện “hiện đại”, cần phải “chính quy” - tư duy phải thay đổi

Từ loa phường tới e-Phường

Cách đây chín năm (2009) trong một chuyến đi công tác từ Mỹ về Hà Nội, tôi ở khách sạn Phạm Ngũ Lão - nơi có khuôn viên đẹp, nhiều cây xanh, chim hót véo von vào buổi sáng. Nhưng âm thanh thanh bình ấy bị phá bởi tiếng loa phường ậm ọe trên cột điện. Cũng hôm đó, tôi đọc được tin vui: phường Khương Mai ở thành phố này có trang web đã hoạt động được vài tháng với hơn 800.000 lượt truy cập.


Để e-Governemt thành công thì ngoài chuyện “hiện đại”, cần phải “chính quy” - tư duy phải thay đổi

Thay vì nghe loa phường, dân Khương Mai đọc trên web tin thế giới, tin trong nước, tin UBND phường cung cấp nước sạch miễn phí cho nhân dân trong vùng ngập nước sau trận lũ lụt khủng khiếp năm trước. Người dân có thể trao đổi trực tiếp bằng e-mail, xem các thủ tục trực tuyến với các số điện thoại hay địa chỉ giao dịch công khai. Nhiều văn bản pháp quy được đăng tải, dễ truy nhập.

Đây là một e-Phường sơ khai có các chức năng như cải tiến hành chính (eAdmin), kết nối với công dân (eCitizens and eServices) và hội nhập với thế giới (eSociety). Giá như ý tưởng ấy được phát triển bền vững và mở rộng thì rất có thể mọi chuyện đã khác. Rất đáng tiếc, e-Phường Khương Mai giờ không truy cập được nữa hay đã chuyển địa chỉ khác, cũng không biết với hơn 11.000 phường trong cả nước, có bao nhiêu e-Phường.

Sau này về Việt Nam sinh sống, tôi có vài lần ra phường hay lên quận làm giấy tờ về nhà đất. Chỗ tiếp dân cũng có máy tính và cách thức giao dịch kiểu như các ngân hàng in số giao dịch cho khách đến liên hệ. Hầu hết để làm cảnh, máy tính màn hình tối thui, máy in không chạy, và vẫn gọi bằng miệng như thế kỷ trước. Đầu tư cho ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) không phải là nhỏ nhưng liệu có hiệu quả như mong muốn?!

Theo cơ cấu tổ chức hành chính của Việt Nam thì xã/phường được coi là một chính phủ thu nhỏ, có đảng ủy, chủ tịch, công an, tài chính, tư pháp, kể cả các tổ chức xã hội. Dường như mọi giao dịch giữa dân và chính quyền đều bắt đầu từ đây, xã phường cải tiến thì sẽ động tới quốc gia.

Nếu e-Phường hoàn chỉnh thì e-Government chỉ cần kết nối là đủ cho một đất nước hiện đại ứng dụng ICT nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, dịch vụ trực tuyến, kết nối chính quyền với công dân, từ đó nâng cao hiệu suất hoạt động của Chính phủ, tiến tới giải trình cao và minh bạch.

E-Government bắt đầu từ đâu?

Một vị nguyên thủ thăm một quốc gia thấy một nhóm lính đang tập quân ngũ. Quần áo, mũ, súng ống mới tinh nhưng tất của lính không đồng màu, cái cũ cái mới, chắc do lính nghĩ, tất trong giầy thì kiểu gì chẳng được. Ông bảo “quân đội nước này hiện đại nhưng không chính quy”.

Chuyện vui nhưng nó nói lên rằng, không phải có tiền mua thiết bị máy tính về là xong việc e-Government, hiện đại dễ vì có tiền là mua được, chính quy khó hơn, đòi hỏi con người phải thay đổi.

Hãy bắt đầu từ cơ sở, đó là chính quyền cấp xã/phường, vừa đơn giản, vừa khó. Đơn giản vì áp dụng với đơn vị hành chính từ 5.000-10.000 người dễ thành công hơn là cho hàng chục triệu người. Khó là do trình độ dân trí và quan trí ở cơ sở nông thôn khó hơn thành phố hiện đại.

Trong 11.000 xã/phường, nên chọn ra 10 điểm có lãnh đạo “nhất trí cao” ứng dụng ICT trong quản lý. Đã gọi là “nhất trí cao” nghĩa là phải có trình độ, có tầm nhìn như ông chủ tịch phường Khương Mai cách đây chín năm, phải biến tất cả những gì có thể thành E (ICT hóa) như hành chính thành e-Admin hay dịch vụ công thành e-Services.

Ai từng khai visa đi Mỹ hay Pháp đều rõ thế nào gọi là e-Services. Khách hàng đọc kỹ hướng dẫn các bước từ A đến Z như khai mẫu xin visa, cách chụp ảnh, chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như bản sao hộ khẩu, thu nhập, giấy mời. Khai xong mẫu xin visa, nộp tiền phí, lại đặt hẹn trực tuyến, được chấp nhận thì hẹn ngày giờ đến. Nếu tất cả các bước thuận buồm xuôi gió thì chỉ một lần đến phòng lãnh sự là xong.

Nếu không đọc kỹ, không làm hết các bước, khai thông tin sai, thì ngay trong thủ tục trực tuyến đã nhắc thiếu cái này, thiếu mục kia, viết ngày tháng không chính xác, chứ không đợi phóng xe tới phường và được nghe một câu chỏng lỏn “về khai lại”, “chữ xấu không rõ ràng” hay muôn vàn lý do... hành là chính khác.

Khai thuế đất, khai thuế thu nhập, xin giấy phép kinh doanh hay các loại chứng chỉ, thậm chí là chứng thực, hoàn toàn có thể yêu cầu trực tuyến. Gửi giấy tờ đi lại qua mạng hoặc bản gốc theo đường chuyển phát bưu điện. Dân chỉ đến ủy ban nhân dân phường khi cần lấy chữ ký hay vân tay. Hàng trăm dịch vụ có thể trực tuyến mà không cần tới tận phường.

Dịch vụ trực tuyến thì khó có tiền “chấm mút”, muốn giảm thiểu hay chống tham nhũng thì e-Government là một giải pháp tốt. Lãnh đạo phường quyết tâm thì may ra mới thành công. Nếu không thì chỉ “hiện đại mà không chính quy” như đám lính có quần áo mới nhưng tất vẫn cũ.

Ví dụ thành công: E-Government Estonia

Dường như quốc gia Estonia có duyên với chữ E điện tử hóa chính phủ. Câu chuyện phát triển ICT thần kỳ của Estonia là một ví dụ cả thế giới đang học. Estonia luôn có chỉ số phát triển ICT trong tốp 30 quốc gia. Dân số 1,3 triệu người, chỉ bằng non nửa tỉnh Thanh Hóa mà Estonia có GDP tới 40 tỉ đô la Mỹ năm 2017, bằng một phần năm Việt Nam với hơn 90 triệu dân.

Vào năm 1993 người viết bài này đi đăng ký điện thoại bàn ở Hà Nội với hồ sơ lý lịch như khi vào Đảng. Thời điểm đó, Estonia vừa độc lập và phụ thuộc vào một điểm gọi đi quốc tế cài đặt tại vườn nhà của ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được kết nối với Phần Lan. Thế mà sau gần ba thập kỷ, Estonia trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về ứng dụng và phát triển ICT.

Công lao của ông Thủ tướng Mart Laar vào năm 1992 sau ngày độc lập là không nhỏ khi ông có tầm nhìn về nền kinh tế phẳng (flat-lining economy). Ông cho rằng, ICT là chìa khóa phát triển trong tương lai và giúp cho chính thể minh bạch, khó tham nhũng.

Chỉ trong hai năm, chính quyền non trẻ Estonia với đội ngũ cán bộ có độ tuổi trung bình 35 đã cấp cho công dân chế độ thuế phẳng (flat income tax), một loại thuế áp dụng theo cùng tỷ lệ nộp tiền cho mọi đối tượng vào năm 1994 (đây là quốc gia châu Âu đầu tiên bãi bỏ phương pháp thu thuế truyền thống). Khai và trả thuế cũng trực tuyến, mất khoảng năm phút.  Đăng ký mở công ty, dịch vụ hoàn toàn trên Internet, mất khoảng 30 phút. 92% công ty báo cáo thu nhập qua mạng. Bỏ phiếu từ xa, bỏ phiếu tại nhà qua máy tính nối mạng từ năm 2005, và qua mạng qua SMS từ năm 2011. 1,3 triệu người có thể trả phí đỗ xe trên phố bằng điện thoại di động.

Một chính phủ điện tử, văn phòng không giấy (paperless office) ra đời từ những ý tưởng của người có tầm nhìn xa vài thập kỷ, bởi thế hệ lãnh đạo trẻ tin vào ICT, vào Internet, là công cụ cho phát triển. Và Estonia đã không nhầm hướng đi.

Chính phủ Estonia có ý tưởng tuyệt vời là “internet access to be a human right - truy cập Internet là một quyền con người”. Wifi miễn phí khắp nơi, những con dấu thô kệch đã bị thay đi, không còn cảnh giấy tờ đánh máy vương vãi trong văn phòng các bộ. Mọi chính sách đều dựa trên sự tiện lợi cho công dân hơn là sự dễ dàng cho người quản lý và tạo kẽ hở cho tham nhũng bởi cán bộ nhà nước, sẵn sàng tha hóa nếu có dịp.

Chiến lược tầm nhìn ICT 2020 của Estonia nói về “vốn tự có” của họ: 80% dân số ở độ tuổi từ 16-74, 100% lứa trẻ dùng Internet hàng ngày. Để không bị thiếu lực lượng ICT, viện hàn lâm ICT đã được thành lập năm 2012 để đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của thế giới, và không quên phát triển và ứng dụng e-Government, đặc biệt là dịch vụ công.

E-Government cho Việt Nam

Năm 2017, theo báo cáo của ITU thì Estonia có ICT index đứng thứ 17 còn Việt Nam đứng thứ 108, không thay đổi từ năm 2016. Tuy thế mức độ tăng trưởng Internet của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới với hơn nửa dân số dùng Internet và có tài khoản Facebook.

Việt Nam có mạng viễn thông được đánh giá cao ở châu Á. Việt Nam không thiếu nguồn nhân lực nói chung, không thiếu người giỏi công nghệ thông tin nói riêng, tiếng Anh đang dần cải thiện. Cái chính là Việt Nam thiếu môi trường phát triển bền vững.

Báo cáo của UNDP về Khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)(1) cho thấy trong bảy năm qua, người Việt đang ngày càng dễ dàng chi một khoản tiền lớn để “bôi trơn” khi sử dụng các dịch vụ thiết yếu. Ở giai đoạn 2011-2012, số tiền trung bình khiến người dân có thể trình báo chuyện hối lộ với công an là khoảng 5 triệu đồng. Chỉ sau vài năm (2017), con số này tăng gấp năm lần: 27,5 triệu đồng.

Ứng dụng e-Government với đội ngũ cán bộ “hành là chính”, nguồn cơn của hối lộ và tham nhũng, sẽ thất bại vì chả ai muốn cái máy tính làm mất nguồn thu hàng ngày. Chống hối lộ không thể bằng khẩu hiệu trên loa phường mà luật pháp phải nghiêm minh, thật sự không có vùng cấm.

Để e-Governemt thành công thì ngoài chuyện “hiện đại”, cần phải “chính quy” - tư duy phải thay đổi. Cũng như loa phường đã đi theo dân tộc trong vài thập kỷ nhưng thời Internet thì “loa phường” phải thuộc về e-Phường. 

(1) http://papi.org.vn/wp-content/uploads/2018/04/PAPI2017_Indicators_Tables_VIE.pdf

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn



Cửa sổ xe thông minh hiển thị thông tin về điểm ven đường
HÀN QUỐCMàn hình xe tương tác AR tích hợp trên cửa sổ xe giúp hành khách hiểu về địa điểm đang thấy mà không cần tra cứu bằng điện thoại.