(TBKTSG) – Hands-off tức là lãnh đạo bằng cách không can dự vào công việc cụ thể. Tức là người lãnh đạo đề ra mục tiêu và định hướng chung rồi giao cho cấp dưới xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động. Cấp trên chỉ xem xét và ký duyệt.
Còn Hands-on là lãnh đạo bằng cách trực tiếp can dự vào công việc. Tức là cấp trên đề ra mục tiêu, định hướng, nhưng đồng thời cũng tham gia vào quá trình xây dựng nội dung công việc và giám sát việc thực hiện công việc.
Đối với những tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, mọi thứ đang trong tầm kiểm soát… thì cách tốt nhất là các tổng giám đốc điều hành (CEO) không nên can dự sâu vào công việc tác nghiệp. Các CEO hãy đề ra mục tiêu, định hướng và để cho quản lý cấp dưới phụ trách thực hiện chức năng của mình.
Lý do là vì một khi CEO can thiệp, chỉ đạo trực tiếp với nhân viên của một phòng ban, thì người quản lý của bộ phận ấy ngay lập tức sẽ trở thành “robot”. Anh ta ỷ lại đã có CEO giải quyết công việc giúp mình, từ đó sẽ mất đi sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công việc của mình. Điều này sẽ thể hiện qua việc hàng ngày anh ta ngồi chờ CEO đến chỉ đạo công việc, anh ta không dám tự làm vì không biết ý cấp trên như thế nào, và cũng vì sợ nếu làm sai ý sếp sẽ bị la rầy.
Trong khi đó, đứng ở góc độ của người lãnh đạo, nếu chẳng may công việc không hiệu quả như mong muốn, CEO sẽ khó mà quy trách nhiệm cho người quản lý. Kết cục là CEO lãng phí tiền thuê một quản lý nhưng lại không sử dụng.
Còn nhân viên trong phòng ban ấy thì thế nào? Họ bắt đầu xem thường người quản lý bởi họ biết người đánh giá việc họ làm chính là CEO. Chính vì vậy, thay vì báo cáo và xin ý kiến của sếp trực tiếp, họ gặp thẳng CEO.
Trong khi đó, ở cương vị CEO, người lãnh đạo này có hàng trăm việc quan trọng khác phải giải quyết. Đặt giả thiết, nếu CEO bận một việc gì đấy buộc phải hủy một cuộc họp với phòng ban ấy, có nghĩa công việc sẽ bị chậm trễ, cả phòng phải ngồi chờ ý kiến của CEO. Doanh nghiệp đang lãng phí công của cả một bộ phận.
Chính vì những lý do đó mà phải hands-off. Nhưng hands-off không phải lúc nào cũng tốt!
Khi mà mọi thứ không ổn, chẳng hạn như khi một bộ phận trong doanh nghiệp thường xuyên không đạt mục tiêu đề ra, phòng ban ấy bị mất kiểm soát và đi lệch định hướng, khi tổ chức hay công ty đang trải qua giai đoạn khó khăn, có nguy cơ tác động lớn đến hoạt động của toàn công ty… thì đó chính là lúc người lãnh đạo phải hands-on.
Một khi nhận thấy việc chỉ đạo thông qua cấp quản lý trung gian không mang lại kết quả như mong đợi, công việc không được thực hiện đến nơi đến chốn, CEO phải tạm thời “cướp tay lái” để trực tiếp chỉ đạo công việc.
Thông qua việc trực tiếp can dự vào công việc, CEO phải lèo lái nhằm đảm bảo công việc vận hành trơn tru để tổ chức, công ty ấy thoát ra khỏi tình trạng nguy hiểm. Đồng thời phải làm sao để trong một thời gian ngắn nhất có thể, chính người đứng đầu doanh nghiệp phải phát hiện ra những nguyên nhân khiến tổ chức, đơn vị ấy không hoạt động hiệu quả nhằm tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề.
Xin đừng quên, một khi vấn đề đã được giải quyết, CEO cần nhanh chóng bổ nhiệm vị trí quản lý cấp trung mới, trả hệ thống về lại cơ chế vận hành như cũ để cho quản lý cấp dưới phát huy vai trò của mình.
Không khó để học và nắm được về mặt lý thuyết có bao nhiêu phong cách quản lý. Thách thức của mỗi CEO chính là làm sao để biết nên áp dụng các phong cách quản lý nào cho phù hợp với từng thời điểm bởi dân gian thường nói “người trong cuộc thường không sáng nước cờ”.
Trong thực tế, không phải ai cũng có đủ năng lực và kinh nghiệm để có thể vận dụng một cách hiệu quả nhiều phong cách lãnh đạo khác nhau vì điều này phụ thuộc vào kiến thức, năng lực và trải nghiệm thực tế của từng người. Chẳng hạn đã có CEO dù biết là phong cách lãnh đạo Hands-off hiện tại của mình không hiệu quả, nhưng họ không thể chuyển sang Hands-on được vì không có đủ kiến thức để chỉ đạo chi tiết công việc cũng như không đủ kinh nghiệm để đưa ra ý kiến xử lý tình huống khi phát sinh vấn đề.
Chính vì vậy mà khi bổ nhiệm một người vào vị trí lãnh đạo, người ta cân nhắc cả về mặt kiến thức chuyên môn (education background) và cả trải nghiệm thực tế có liên quan đến lĩnh vực ấy (experience).
(*) Công ty Tư vấn IME Vietnam