Khi biết đến Analysis Paralysis - Chứng Tê liệt phân tích. Ngay lập tức tôi đã lên Google search để tìm hiểu thêm, nhận ra rằng ở Việt Nam gần như chưa có một bài viết nào thật sự nghiêm túc phân tích đủ sâu và đầy đủ để giúp ta hiểu rõ mà nhận ra tính nghiêm trọng của nó cả. Bởi thế, tôi đã đặt bút viết bài viết này như một giới thiệu và phân tích đầy đủ nhất có thể về Analysis Paralysis - Hiện tượng tê liệt khi phân tích và suy nghĩ quá nhiều.
Analysis Paralysis là nguyên nhân của thất bại trong các dự án CNTT: Kết quả đầu ra khác xa với mong muốn ban đầu.
Kỷ nguyên Internet đã đem lại cho thế hệ nay nguồn thông tin vô tận mà ta có thể tìm kiếm bất cứ đâu chỉ thông quá một cái màn hình. Khi gặp một vấn đề, phản xạ của ta là làm gì? Google! Ngay khi viết bài viết này, Chrome của tôi đang mở cùng lúc 6 tab liên quan đến từ khóa "Analysis Paralysis" để có thể lấy được nhiều thông tin cần thiết. Nhưng thật sự, quá nhiều thông tin không hề tốt như bạn từng nghĩ...Ở trong nhiều dự án, tôi thường gặp một vấn đề khá lớn, đó là phân tích, nghiên cứu quá nhiều thông tin và phương pháp thực hiện, tất cả điều này dẫn đến hệ quả cực kỳ xấu: Tôi không thể đưa ra kết luận và hành động tiếp theo được. Hãy thử tưởng tượng bạn là một người lính và phải băng qua chiến trường đầy bom đạn, thời gian sẽ không bao giờ là đủ để bạn có thể suy nghĩ xem mình chạy về hướng nào, hướng nào sẽ có cơ hội sống sót cao hơn. Và những người lính ấy đã chọn quyết định tốt nhất đó là liên tục di chuyển.
Đối với tỉ phú Jeff Bezos, ông luôn nhận thức rằng mặc dù việc thực hiện các hành động sai lầm có thể mang đến những hậu quả tiêu cực, nhưng “Nếu bạn không quyết định nhanh chóng bạn sẽ làm gì mà bạn tin rằng nó sẽ mang lại kết quả tốt, bạn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội trong lúc suy nghĩ bạn nên làm gì”.Không ai muốn lựa chọn sai cả, khi đứng trước một vấn đề phải đưa ra quyết định, điều tất nhiên là ai cũng muốn đưa ra được lựa chọn tốt nhất. Vậy bạn sẽ làm gì khi có quá nhiều thông tin phải phân tích?
Như một chú Hamster trong guồng bánh xe, bạn liên tục thu thập và phân tích các dẫn chứng được cập nhật gần nhất nhưng không hề biết khi nào là đủ, đó là một vòng lặp vô hạn! Vòng lặp này dừng lại hay không là tuy thuộc vào quyết định của những chú Hamster này chứ không phụ thuộc vào guồng quay ấy.
Nhà phân tích tâm lý học Barry Schwartz đã đặt ra khái niệm "Paradox of Choice" để mô tả hiện tượng này: Trong lúc gia tăng các lựa chọn cho phép đạt được kết quả tốt nhất, con người cũng đang làm bản thân trở nên lo lắng, thiết quyết đoán, tê liệt và không hài lòng.
Analysis Paralysis đã tác động xấu đến chúng ta như thế nào?Khi có ai đó hỏi tôi rằng muốn thay đổi điều gì trong quá khứ, chắc chắn tôi sẽ ước rằng mình đã đã biết đến chứng Tê liệt phân tích sớm hơn. Trong suốt 4 năm đại học và thời gian đi làm, tôi đã ảo tưởng rằng mình thật sự giỏi trong lĩnh vực phân tích và tìm kiếm nguồn thông tin liên tục mà không hề nhận ra rằng thời gian để làm những công việc ấy, những lần trễ deadline, chi phí cơ hội ... khi tính tổng lại sẽ là một con số khổng lồ. Chưa dừng lại ở đó, thói quen này thật sự ảnh hưởng đến khi bạn đi làm, luôn luôn trễ nãi trong công việc, thiếu quyết đoán là tình trạng tôi đã và đang gặp phải. Trong một nghiên cứu vào năm 2010 đã cho thấy: Trung bình mỗi nhân viên dành một nửa thời gian làm việc của mình để ghi nhận và quản lý thông tin hơn là sử dụng các thông tin ấy cho mục đích công việc của mình.Thật không may, đó chỉ là khởi đầu của những tin xấu. Các nghiên cứu về tâm lý học và khoa học thần kinh tiết lộ rằng sự tê liệt trong phân tích sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và sức khỏe của bạn hơn là chỉ mất thời gian. Dưới đây là tác động xấu liên quan đến Tê liệt phân tích đang kìm hãm bạn:
1. Giảm hiệu suất công việc
Trí nhớ làm việc của chúng ta cho phép chúng ta tập trung vào thông tin chúng ta cần để hoàn thành công việc tại thời điểm chúng ta thực hiện chúng. Thật không may, bộ não của chúng ta không phải là vô hạn. Như CPU của máy tính. Một khi nó đã sử dụng bộ nhớ, bạn sẽ không thể nạp thêm bất kỳ dữ liệu nào vào cả.Các nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra rằng các tình huống gây áp lực cao, gây lo lắng gây những tác động xấu đến hiệu suất của công việc, đặc biệt là các công việc nhóm. Phân tích các tình huống, các suy nghĩ lặp đi lặp lại, lo lắng và sự nghi ngờ sẽ tiêu tốn một lượng "bộ nhớ" không hề nhỏ, để hoàn thành các công việc khó khăn hơn, năng suất của bạn giảm mạnh hơn nữa.
2. Suy nghĩ quá mức giết chết sự sáng tạo của bạn
Một nghiên cứu gần đây của Stanford cho thấy rằng suy nghĩ quá mức không chỉ cản trở năng suất làm việc của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến khả năng đạt tiềm năng sáng tạo. Grace Hawthorne, giáo sư tại Học viện Thiết kế Đại học Stanford, đã hợp tác với nhà khoa học hành vi Allan Reiss để tìm ra cách đo lường sáng tạo một cách khoa học bằng hình ảnh não bộ.
Những người tham gia nghiên cứu được đặt vào một máy chụp cộng hưởng với một máy tính bảng không từ tính và được yêu cầu vẽ một loạt hình ảnh dựa trên các động từ (ví dụ: bỏ phiếu, xả, chào) với 30 giây cho mỗi từ. (Trong lúc ấy máy tính sẽ bắt đầu vẽ nên các đường zigzac điểm kiểm tra hoạt động của bộ não). Sau đấy, những người tham gia sẽ xếp hạng độ khó của bức tranh được yêu cầu. Các bản vẽ được gửi cho các nhà nghiên cứu để xếp hạng điểm sáng tạo theo thang điểm 5. Bên cạnh đó các nhà nghiên cứu tại School of Medicine sẽ phân tích các bản quét fMRI cho các mẫu hoạt động của não.
Kết quả thật đáng ngạc nhiên: vỏ não trước trán, thường gắn liền với suy nghĩ, hoạt động tích cực nhất đối với các bản vẽ mà những người tham gia xếp hạng là khó nhất; tiểu não [phần não thường gắn liền với chuyển động] hoạt động mạnh nhất đối với các bản vẽ mà những người tham gia đạt điểm cao nhất về sự sáng tạo. Về cơ bản, những người tham gia càng ít nghĩ về những gì họ đang vẽ, thì những bức vẽ của họ càng sáng tạo.
3. Suy nghĩ quá mức gây tụt chí
Một nghiên cứu hấp dẫn (và khá đáng báo động) được công bố bởi Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia đã thống kê các quyết định tạm tha trong khoảng thời gian 10 tháng của các Thẩm phán Hội đồng. Họ phát hiện ra rằng các Thẩm phán có tỉ lệ cấp phép tạm tha nhiều hơn vào sáng sớm và ngay sau quãng thời gian nghỉ để ăn. Các trường hợp phiên dài có nhiều khả năng bị từ chối. Hiện tượng này đúng với hơn 1.100 trường hợp bất kể mức độ nghiêm trọng của tội phạm.
Những hành động mà chúng ta tự động thực hiện, như đánh răng, tốn ý và hầu như không phải suy nghĩ. Tuy nhiên, khi chúng ta thống nhất về một quyết định, chúng ta sẽ cạn kiệt nguồn suy nghĩ có hạn chế nhanh hơn rất nhiều, nó khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức và choáng ngợp.Quyết định mệt mỏi này không chỉ ngăn cản khả năng đánh giá rõ ràng tình hình của chúng ta, mà còn khiến chúng ta có nhiều khả năng lựa chọn phương án tồi. Nói tóm lại, việc phân tích quá mức khiến cho việc đưa ra các lựa chọn dài hạn, chất lượng cao trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
4. Suy nghĩ quá mức làm bạn không thể cảm thấy vui vẻ được
Vào năm 1956, nhà kinh tế học Herman Simon đưa ra thuật ngữ “satisficer” để mô tả phong cách ra quyết định chứng mình rằng "nên ưu tiên một giải pháp phù hợp hơn một giải pháp tối ưu"Dự án Hạnh phúc của Gretchen Rubin mô tả rằng: “Satisficers đưa ra quyết định một khi các tiêu chí của họ được đáp ứng; Khi họ tìm thấy khách sạn đang ở hoặc những món ăn mà họ muốn, họ đã hài lòng.”Ngược lại, những “Maximizers muốn đưa ra quyết định tốt nhất có thể; ngay cả khi họ đã thấy một chiếc xe đạp đáp ứng mọi yêu cầu của họ, họ vẫn chưa có thể quyết định cho đến khi họ kiểm tra hết mọi lựa chọn khác.”Khi so sánh về 2 kiểu người này, các nhà phân tích nhận ra rằng:
(1) Maximizers ít hài lòng về cuộc sống, hạnh phúc, lạc quan, tự tin hơn đáng kể, và cũng dễ hối tiếc và trầm cảm hơn so với Satisficers.
(2) Maximizers có thường hay so sánh (người A giỏi hơn người B) và có những suy nghĩ phản tác dụng (nghĩa là nếu tôi đã chọn lựa chọn số 2 thay sô 1 thì sao?) Và trải qua nhiều hối tiếc, ít hạnh phúc hơn sau khi đưa ra quyết định.
(3) Maximizers dễ trở nên tiêu cực, down mood khi họ không thực hiện tốt như các đồng nghiệp, bạn bè của họ.Có thể thấy, mặc dù phân tích mọi lựa chọn và sau đó đưa ra sự lựa chọn tốt nhất có thể dẫn đến kết quả khách quan hơn trong một số tình huống, những Maximizers vẫn nhiều lo lắng, hối tiếc và ít hạnh phúc, hài lòng hơn đối với các quyết định của họ.Trên đây là giới thiệu và phân tích của tôi về hiện tượng Analysis Paralysis, bài viết khá dài nên tôi sẽ dừng lại ở đây. Nếu các bạn cảm thấy thú vị, hãy cho tôi biết để có thể tiếp tục vấn đề này với bài viết tiếp theo nhé!
Huy Khiếu (https://spiderum.com)